Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

Bài cũ từ blog360 chuyển sang


BIẾT ĐÂU CÓ MỘT NGÀY EM BẬT KHÓC

Biết đâu có một ngày em bật khóc
Chuyện mai sau, thôi cứ thế em đi!
Anh khóc trước, bây giờ xin khóc trước
Dẫu yếu mềm, bất lực chẳng chờ chi
                        ***
Em như bão hất tung mùa yêu dấu
Mặt đất trơ anh cúi nhặt hoang tàn
Lời đau điếng thời gian phai vết buốt
Nếu chẳng lành, thôi cũng kiếp nhân gian

Anh cố níu nhưng sức người đã kiệt
Anh chắn bên này, bão cuốn phía bên kia            
Ngày bình yên dắt con về nơi trú
Bố nựng con rơm rớm khúc chia lìa

Nhưng em ạ, lòng anh sau phút ấy
Bỗng ngời lên tin tưởng diệu kỳ
Anh vụt dậy nghe tim mình lửa cháy
Hướng phía mặt trời cứ thế, anh đi

Anh bước tiếp trên đoạn đời tấp nập
Con đến trường, bố vẫn đến cơ quan
Ngày với tháng chập chùng  lên cô quạnh
Chẳng màng chi địa ngục với thiên đàng

Đời nhân thế vẫn còn ganh với ghét
Hạnh phúc khổ đau giằng xé kiếp người
Nên trước thánh bao lần ai sám hối
Lời nguyện thầm mong xóa tội tìm vui

Anh không thể, bởi biết mình vô đạo
Vượt mỗi gian nan anh cố mỉm cười
Anh không thể tin những điều mộng ảo
Thất bại, viên thành cũng bởi người thôi

Xin tạ ơn những tháng ngày náo nhiệt
Để bây giờ anh ngồi viết thành thơ
Bao tủi hổ, bi hài, kiêu hãnh...
Đời sẽ qua ai nhớ lại bao giờ
                   ***
Nếu như có một ngày em bật khóc
Dẫu muộn màng, dằn vặt, tiếc thương
Nhưng em ạ! Tình yêu là có thật
Em nhìn kia! Ở phía cuối con đường!
   
  * Tôi nhìn tôi, nhìn bạn, nhìn
    cuộc đời, tôi viết lên những lời kia

                       HÀ CHƯƠNG


THU THÁNG CHÍN

Nghe em hát mùa Thu vào tháng Tám
Mà sáng nay tháng Chín nắng còn tươi
Hoa cúc dại sáng bừng trong khóm cỏ
Dưới vòm xanh gió khua lá như cười

Và anh biết Thu vẫn còn nguyên đấy
Em mong manh trong màu áo thiên thanh
Nép bên anh heo may về lành lạnh
Nghe đời lên trong Thu chín ngọt lành

Anh ngây ngất đi giữa mùa hạnh phúc
Nâng niu từng hạt nắng ấm thơm tho
Gôm gió nữa vào tóc em như ướp
Mùi quê hương có phai nhạt bao giờ

Mắt em biếc mà Thu thì lộng lẫy
Đừng tan mau như sương khói mặt hồ
Anh muốn níu cho mùa đi chậm lại 
Em nhìn kìa! Thu tháng Chín lao xao
      
                             HÀ CHƯƠNG



MƯA HÈ HÀ NỘI

Tôi bắt gặp cơn mưa hè Hà Nội
Rơi xuống hồ bong bóng vỡ long bong
Mưa lên phố mái rêu màu xám ngắt
Mưa công viên ướt đẫm dáng si buồn

Mưa vuốt mặt phượng hồng ven Hoàn Kiếm
Mấy cánh trôi theo dòng nước lao xao
Mưa Yên Phụ mưa về qua phố cổ
Mưa thênh thang, mưa xuống Phủ Tây Hồ

Tôi im lặng ngắm mưa hè Hà Nội
Ngồi trú chân bên quán phố Nhà Chung
Bà hàng nước hỏi: Cậu từ đâu đến?
Tôi thưa bà: Cháu ở tận miền Trung!

Tôi lặng đi trong mưa chiều Hà Nội
Khói trầm bay quanh quẩn mái đền thiêng
Quỳ chắp tay khấn thầm bên tượng thánh
Trong thinh không nghe vọng tiếng Người hiền

Xin mãi mãi cơn mưa hè Hà Nội
Thắp hồn thơ, gợi nhớ bóng người xa
Còn ai  nữa phương trời kia xa lắc
Chiều thủ đô mưa tím ngắt quê nhà

Tôi nâng tay hứng mưa hè Hà Nội
Ấp vào tim thổn thức một tình yêu
Mai tôi về Quảng Nam nhìn nắng đổ
Thương mưa hè Hà Nội biết bao nhiêu

                                 Hà Nội,7/2012
                               HÀ CHƯƠNG




EM ƠI MÙA HOA ĐỎ

Em ơi anh đã thấy
Màu hoa tàn trong cây
Từng cánh hoa run rẩy
Lay nắng buồn bên vai

Anh nhặt vài cánh chết
Ấp lên hồn lặng thinh
Anh thương mùa đã hết
Như đời phai cuộc tình

Từng cánh hoa tươi đỏ
Như môi mềm khát khao
Như mắt người yêu khóc
Sau nụ hôn ngọt ngào

Em ơi mùa hoa đỏ
Đã phai rồi còn đâu
Tình trôi theo ngày nhỏ
Sầu lên những nỗi sầu

Anh nhìn mây lãng đãng
Mơ gửi hồn theo chim
Tung trời quanh thế giới
Tìm em, anh đi tìm

Em ơi màu hoa đỏ
Màu hoa của tình thơ
Nhìn hoa anh nuối tiếc
Đến bao giờ, bao giờ

Em ơi mùa hoa đỏ
Đã xa rồi còn đâu!

   HÀ CHƯƠNG



NGƯỜI ĐÀN BÀ TRONG TÔI

Người đàn bà trong tôi
Ngây ngô như hoa đồng nội
Rực rỡ dưới ánh hè
Bốn mùa mưa nắng lê thê
E ấp tình thôn dã

Người đàn bà trong tôi vất vả
Một đời áo cơm
Da thơm nắng cháy
Lánh xa những gọi mời trơ trẽn
Những tiếng cười thâu đêm
Rượu uống thân mềm
Dập dìu hoang lạc
Người đàn bà trong tôi mộc mạc
Mắt, môi, mày tươi nguyên
Như đóa hoa đồng nội
Cháy dưới nắng hè vẫn ngời lên rực rỡ
Một màu tinh khôi

Tôi quỳ xuống bên Người
Tay nâng lên hôn khẽ
Người đàn bà trong tôi giật mình run nhẹ
Tan vào yêu thương

            HÀ CHƯƠNG

 
 HOA ĐỒNG NỘI

Những bông hoa đồng nội
Theo tôi vào tuổi thơ
Sắc màu tươi rực rỡ
Như chưa thể bao giờ

Hoa nở từ đồng đất
Uống từng giọt sương đêm
Mỗi ngày lên thức giấc
Cười trong khóm cỏ mềm

Những nhánh hoa đồng nội
Vào gánh hàng mẹ quê
Hoa cùng người vất vả
Đội sương nắng đi về

Xưa yêu hoa đồng nội
Em cài tóc làm duyên
Để ai còn bối rối
Ngồi mơ dáng em hiền

Hoa theo em vào lớp
Ngây thơ nở bên bàn
Bên kia chàng nhác học
Cứ lặng thầm nhìn sang

Hoa khô vào gấp vở
Ướp hương lời yêu đầu
Một lần trao duyên nợ
Là suốt đời nhớ nhau
 
Trên hàng hoa phố thị
Người yêu cúc, yêu hường…
Những loài hoa khoe sắc
Những loài hoa ngập hương
Tôi yêu hoa đồng nội
Một mối tình thiêng liêng
Những sắc màu muôn thuở
Đã đi vào thiên nhiên

       HÀ CHƯƠNG)
(Bài đăng Tạp chí Non Nước năm 2013)


           TÔI NGHE

Tôi nghe muôn nghìn câu thơ
Ca ngợi tình yêu đôi lứa
Cũng trong muôn nghìn câu ấy
Tôi nghe một thuở dại khờ

Tôi nghe muôn nghìn lời hát
Ca ngợi tình yêu lứa đôi
Tôi nghe muôn nghìn nốt nhạc
Phụ nhau chia rẽ cuộc đời

Tôi nghe muôn triệu lời người
Yêu thương lẫn màu gian dối
Điêu ngoa lẫn màu sám hối
Lời buồn lẫn giọt lời vui

Tôi gom muôn lời tôi nghe
Xin gói vào trong gọn ghẽ
Trả lại cuộc đời nhỏ bé
Về ngồi dưới đấng linh thiêng

                            Ghềnh Ráng
                              02/06/2012
                  HÀ CHƯƠNG


 KHI CHẠM VÀO ĐỜI NHAU

Khi chạm vào đời nhau
Giây phút đầu tiên ấy
Khiến mình nhớ thật lâu
Mười năm rồi, còn đấy

Thư xanh nhàu giấy úa
Nét mực đã thay màu
Mà tình này mấy thuở
Có bao giờ nhạt phai

Khi chạm vào môi hôn
Là nồng nàn lửa cháy
Ta uống nhau vào hồn
Hòa chung dòng mật chảy

Khi chạm vào bờ cát
Những hẹn hò đơm hoa
Khi chạm vào biển sóng
Sóng ru tình đậm đà

Xin mãi chạm vào nhau
Như sóng hôn bờ đá
Đời quấn quít kề nhau
Tươi nét cười rộn rã

Xin mãi chạm bờ yêu
Hong tình thêm lửa nóng
Vì đời nhau nâng niu
Khơi lòng thêm cháy bỏng

Đời còn có bao ngày
Dìu nhau mòn lối khổ
Mai dẫu chẳng còn nhau
Xin về chung nấm cỏ

Hãy chạm vào tình yêu
Hãy thương nhau thật nhiều
                
              Hà Chương


              Ừ, THÔI EM ĐI


Ừ, thôi em đi, chiều đã tới
Hồn anh - Giọt nắng sắp tàn phai
Em đi, kẻo người đang đứng đợi
Kẻo nghi ngờ phút cuối chia tay !

Em sửa lại nếp khăn bên áo
Ngoài phố kia giá rét tràn về
Em sẽ cóng, nỗi buồn thêm cóng
Mưa như điên xuống buớc ê chề

Em nhớ đấy, nhớ đừng khóc đấy
Chăm nét cười nuôi dưỡng tình sau
Như con sông hết ngày khô cạn
Bỗng tràn trề từ suối nguồn sâu

Lát nữa đây với người, em nhớ!
Làm cánh hoa trinh trắng trong ngần
Người có trách, xin người tha thứ
Hãy ân cần những lúc trao thân

Đời anh muôn nẻo đường sáng tối
Anh chọn lối nào cũng bể dâu
Thôi em! Dan díu mà chi nữa
Chừng ấy ngày trôi đủ ngất sầu  

Xin tạ ơn em đã một lần
Một lần yêu dấu một lần thân
Trời cho ta thế đành dang dỡ
Mộng mị từng đêm tắt lụi dần

Anh về bên hiên nhà ngủ lịm
Chợt thấy trong mơ những ngày đầy
Vây quanh khắp hướng màu tin tưởng
Vẳng một tiếng cười  xuống quanh đây
      
                          HÀ CHƯƠNG







  XUÂN NHỚ
      Hà Chương

Em nhớ chăng, thuở ấy
Mùa xuân qua vội vàng
Chở nắng về cho Hạ
Hồn anh vừa tàn hoang

Em đi về thành phố
Anh vừa hết mùa thi
Phút chia tay chiều ấy
Em chẳng nói năng gì

Anh trao em  quyển sách
Làm quà tặng tình yêu
“Thép đã tôi thế đấy”
Vì lẽ sống con người
Giặc tràn qua biên giới
Đất nước cần, anh đi 

Xa em anh không khóc
Vượt tháng năm nhọc nhằn
Muôn nẻo đường khó nhọc
Anh làm chàng Pa ven

Tình yêu xin gác lại
Đặt Tổ quốc trên đầu
Hiểu lòng, em e ngại
Nên chối từ dấn thân

Em nhuộm ngày đêm tối
Tình ta phai nhạt màu
Em gượng cười tội lỗi
Hai đứa mình xa nhau

Em thành ngôi sao biếc
Chớp sáng mãi vòm trời
Ánh ngày lên trốn biệt
Những đêm về xa khơi

Rồi ngày dài thêm dài
Anh gói tình thuở ấy
Giấu vào tim đọa đày
Nào ngờ quên được mấy

Đêm này nghe Xuân lại
Anh nhớ về mùa xưa
Em bên trời còn hát
Khúc xuân thì trong mưa

     

  MÙI HƯƠNG CỦA EM

                    Tặng tất cả những ai đang  hạnh phúc 

Anh đã quen mùi hương của Em
Thơm tho quá, nhưng không quý phái
Gần gũi quá, dịu dàng hương rất thật
Anh đã say như chết được một lần
                         ***
Chết một lần nên anh đã thành quen
Mùi hương ấy như cơm ăn nước uống
Như thiên nhiên dành cho cuộc sống
Như vầng trăng sáng giữa bầu trời
Như mặt trời cháy mãi không thôi
Như biển xanh muôn đời sóng vỗ
                        ***
Có phải chi là bạc tiền của quý
Mùi hương Em thoang thoảng bên đời
Là giọt mồ hôi vất vả sớm hôm
Là nước mắt rơi thầm tủi cực
Là nụ cười hân hoan hạnh phúc
Là khổ đau bên dốc cuộc đời
                        ***
Tất cả trở thành vốn quý Em ơi
Em gom góp ủ nên hương ấy
Tỏa quanh anh thơm tho biết mấy
Rất riêng Em, quanh quẩn đời dài
Rồi một ngày đến trước tàn phai
Anh sẽ nhớ mang theo mùi hương ấy

                        HÀ CHƯƠNG

    Tôi mong đời lứa đôi/Em về qua phố rộng/Ta đưa tình vào mộng/Tôi mong đời lứa đôi...
 Đó là lời đầu của một trong những bài hát đầu tay “ Tôi mong đời lứa đôi” của tôi Bài hát vụng dại và không kém phần thô, chỉ viết cho riêng tôi ngày tôi không hạnh phúc.Qua tháng năm, tôi nhìn cuộc đời thật trìu mến yêu thương. Tôi nói thật lòng tôi là. Tôi nhìn bất kỳ ai được hạnh phúc bên nhau, tôi cũng thầm mong cho họ luôn luôn được như thế, và thầm kêu lên khe khẽ: Hãy luôn  như thế đấy nhé, đừng đau khổ đấy nhé… Nhưng hình như cuộc đời đâu có chiều theo mong mỏi của tôi! Sáng nay tôi đọc một bài viết của một bạn bolg viết về ngày sinh nhật của mình. Với những ý tưởng có trước rồi, tôi viết nhanh bài thơ này như muốn nhắn gửi vào thế giới bao la này với lời cầu mong: Tất cả  hãy yêu thương nhau thật nhiều, cho nhau thật nhiều và luôn hạnh phúc bên nhau. Bài thơ tuy con thô và gượng ép, mong các bạn góp ý phê bình  







 LỜI TRI ÂN THẬT THÀ VÀ ÂN CẦN
Nhân ngày 20 tháng 11 năm 1999
     
              Thưa Thầy !   

      Em nhớ như in mùa chia tay năm ấy, khi những chùm hoa phượng cháy đỏ một góc sân trường Nguyễn Duy Hiệu (ngày ấy là trường cấp III Điện Bàn) Lũ chim tu hú từ núi bay về kêu lanh lảnh  khắp trời, vang xa tận tới biển khơi, gọi mùa cá chuồn về lấp lánh trắng bạc những hàng ghe, những gánh hàng rong, la liệt khắp những chợ quê nghèo. Bình minh ngày hè, màu nắng tinh khôi tràn ngập khắp không gian. Ngoài kia, dòng Thu Bồn trong xanh lững lờ trôi xuôi về sông Cái. Những con thuyền gắn máy, tiếng máy nổ phành phạch, ngược dòng Thu về Giao Thuỷ, Kiểm Lâm... Những  âm thanh ấy nghe quen thuộc như mọi ngày, nhưng hôm nay sao nghe thấy xa vắng đến kỳ lạ. Nhìn lên mái trường, một màu nắng trắng tinh, làm phai màu ngói đỏ. Nắng đã lên mau, nắng gọi Hè về.

       Cả bọn chúng em bỗng giật mình khi tiếng kẻng vào lớp điểm từng tiếng rã rời, nghe cũng khác hẳn  mọi ngày. Và hình ảnh người thầy thân yêu đứng trước cửa lớp, với nụ cười rất hiền cũng khác hơn ngày qua. Thầy đứng nhìn chúng em. Đôi mắt thầy với ánh nhìn thật buồn như nói lên nỗi niềm chia  ly sắp phải xảy ra. Ừ phải rồi, thầy trò chúng ta sắp chia tay nhau rồi! Lũ chúng tôi ai cũng ngầm hiểu như thế.

      Rồi buổi họp mặt chia tay cũng diễn ra đầy cảm xúc buồn vui, sự nuối tiếc, lòng ân hận xót xa của đời học sinh… cũng lắng đọng ngậm ngùi như  tất cả các cuộc chia tay trên cuộc đời này. Em còn nhớ hình ảnh cậu học trò tên Trần Quang, hàng ngày lầm lì ít nói và học rất dốt môn văn của thầy, vậy mà trong cái giờ phút chia ly đó, không biết ma xui quỷ bắt thế nào mà đã đứng lên đọc tặng thầy bài thơ vừa viết đêm qua trên một trang vở, khiến cả lớp ngạc nhiên và để lại một khoảng lặng ngắn ngủi. Cái khoảnh khắt “thăng hoa’ rồi tắt lịm ấy, em đã mang theo suốt quãng đường đời, lúc  buồn vui, hạnh phúc, lúc đau khổ tuyệt vọng, nhưng không bao giờ nguôi trong em, Thầy ơi! 
   
      Em thấy dường như lúc đó thầy xúc động với vần thơ còn non nớt và thô của em.Thầy nhìn em mỉm cười, gật đầu cảm ơn rồi nhìn cả lớp một cách âu yếm. Qua bao nhiêu năm bôn chen giữa đời mưa gió, những lúc vui tột cùng của nỗi vui, buồn tột cùng của nổi buồn, nỗi nhớ của ngàn nỗi nhớ, hình bóng Thầy, ánh mắt Thầy và các thầy cô dạy em ngày ấy luôn hiển hiện trong em, cho em thấy hổ thẹn với điều mình làm sai, cho em vui với điều mình làm được cho bản thân, cho cuộc đời.
  
     Sáng nay thành phố Đà Nẵng tràn ngập trong ánh bình minh sáng bừng ngày mới, như gọi mời nhịp sống muôn loài. Những con đường trung tâm ngập đầy hoa. Các cửa hàng bán hoa rực rỡ những hoa là hoa. Người lớn cầm hoa.Trẻ em cầm hoa. Những chuyến xe chở đầy hoa xuôi về phố chợ. Hồn em như hoa nở tưng bừng. Trong cái không gian sắc màu ấy, bỗng dưng em giật mình thảng thốt. Ừ nhỉ, chỉ còn hai ngày nữa là đến ngày Hai Mươi tháng Mười Một. Em ngồi ở một quán cà phê cóc trên đường Lê Lợi, dõi mắt nhìn những em học sinh trong màu áo trắng tinh, tay cầm hoa đi về phía cổng trường Phan Châu Trinh, lòng em nhớ về ngày xưa ấy qua đi thôi. Ký ức hiện về khiến em chìm vào trong  những hoài niệm. Em như lịm đi trong nỗi nhớ Thầy Cô, bạn bè, lòng em quặn thắt. Em nhớ thương Thầy Cô lắm. Thầy Lĩnh ơi! Thầy Liêu ơi!  Cô Nhỏ ơi! Cô Hương ơi! Và tất cả các Thầy Cô đã dạy em! Thầy Cô có được mạnh khoẻ không, có hạnh phúc không? Em không tặng hoa Thầy Cô đâu, em chỉ biết nhớ thương Thầy Cô thôi! Em tự nhủ với lòng mình, hôm nay em đến cơ quan, em sẽ vui hơn mọi ngày. Em thân thiện với mọi người hơn mọi ngày. Em làm việc hiệu quả hơn mọi ngày. Trong hoài niệm về một thời đèn sách, lòng em sẽ chùng xuống,  cảm xúc sẽ dâng trào. Em sẽ ôm đàn và như thấy hồn mình còn thơ trẻ để hát những bài hát về Thầy Cô

“Khi tóc thầy bạc, tóc em vẫn còn xanh. Khi tóc thầy bạc trắng, chúng em đã khôn lớn rồi…Bài học làm người em ghi nhớ mãi. Công cha nghĩa mẹ ơn thầy”

       Tất cả điều ấy, em xin gói gắm thành một món quà  không tên, gửi vào trong không gian bao la nghìn trùng, nhờ con gió Thu này mang tình em đi khắp muôn phương, mong đến được với tất cả Thầy Cô như một lời tri ân thật thà và ân cần nhất.
                                                                      
                                                          Đà Nẵng tháng 11 năm 1999      
                                                                       HÀ CHƯƠNG 



DẠI KHỜ

Em đến với anh chỉ một lần
Một lần anh nhớ ở ngoài sân
Em trao anh chiếc phong bì nhỏ
Tay nắm bàn tay đứng thật gần

Cứ ngỡ em thương em mới sang
Hồn anh ngây ngất lẫn ngỡ ngàng
Nâng thư anh ấp trên bờ ngực
Nghe tiếng tim mình vỗ miên man

Đêm ấy anh về mở thư xem
Ôm ấp hồn em trong bóng đêm
Lần tay nhè nhẹ từng li nhỏ.
Sợ xót tình thơ giữa giấy mềm

Thư mở ra rồi anh mới hay
Một dòng nắn nót chẳng đề ngày
Em nói ghét anh và em trách
Vì anh là ngốc nhất đời này


Tim anh đau đớn, hồn tan hoang
Như chim lẻ bạn tiếng kêu khàn
Nhưng anh không dám liều như quốc *
Nên sống ơ hờ giữa thế gian

Bởi anh quê mùa không nhận ra
Thương anh em mới nói thế mà
Đến khôn mới biết mình ngốc dại
Nên lỡ tình em trong xót xa

ngốc nên buông tình nữa chừng
Thân anh đầy đoạ biết bao lần
Ngỡ  em ghét anh là ghét thật
Đành chôn mộng đẹp giữa đời xuân

Từ ấy anh qua vạn nẻo đường
Chút tình ngày nọ mãi còn vương
Anh xoá bao lần nhưng chẳng hết
Một lần gặp ấy, một đời thương
                     
                             HÀ CHƯƠNG  



 HOA NỞ NGOÀI SÂN

Sáng nay hoa nở ngoài sân
Mùi hương e ấp như lần mới yêu
Long lanh sương đậu bên đài
Heo may khẽ rụng một vài giọt châu
Tinh khôi trong cánh thắm màu
Đời tôi vui lại một ngày chênh vênh
Nhớ xưa hoa nở bên thềm
Tôi về ngắt cánh lòng thêm ngậm ngùi  
Nhìn hoa lại nhớ đến người
Nhớ làn tóc rối, nụ cười làm duyên
Người xưa còn nhớ gọi tên
Bên trời xa thẳm vọng miền cố hương
Thanh xuân bến nước mười phương
Ngày đi hoa nở đỏ hường gót chân
Trăm năm đời vẫn còn gần
Dẫu ngàn năm nữa cũng lần ấy thôi   
Tiếc gì lỡ cuộc chia phôi
Còn chăng một kiếp luân hồi đợi nhau ?
Mai đây đời sẽ phai màu
Xin còn nghe vọng tiếng cười bên lưng
Tôi về một thuở lang thang
Cùng em đi dưới hai hàng nắng mưa
Hoa gầy thoảng chút hương xưa
Tóc mai ủ chín cũng vừa nụ hôn  

                       HÀ CHƯƠNG

                        -------------------------------------------------------------------------------

KHI THẤY MÌNH CÒN THỞ

Khi thức giấc thấy mình còn thở
Là được ngày vui sống nhân gian
Ta reo lên, lời mừng lớ ngớ
Một tiếng chim thánh thót bên vườn

Ngày xa lắc, ngày mình còn nhớ
Là khổ đau, hạnh phúc cuộc đời
Em lại đến cho hồn rạng rỡ
Con sóng tình vỗ mãi em ơi

Em là gió, là mây, là nắng
Là mật đời nguồn sống có hay
Em là lá, là hoa, là đất
Mang cho ta nương náu thân này

Khi im lặng nghe tim mình nhói
Là niềm đau chưa dứt đấy thôi
Hãy nhìn lên hào quang sáng chói
Qua cơn đau tim lại bồi hồi

Khi nhắm mắt tôi ơi hãy nhớ
Một chút ơn xin tạ cuộc đời
Gửi lại tất: oán, ân,duyên nợ…
Thong dong về những bước thảnh thơi

                        HÀ CHƯƠNG

                                                    --------------------------------------------------
        

           HÀ NỘI THU

Hà Nội tôi về gặp mùa Thu
Sương giăng đầy ngõ, trắng mặt hồ
Heo may từng lớp lùa qua phố
Se lạnh hồn tôi chiều thủ đô

Bao nhiêu người hát về mùa Thu
Về hương hoa sữa đường Nguyễn Du
Về con đường gốm bờ Yên Phụ
Sương khói linh thiêng Phủ Tây Hồ…

Tôi nhớ, tôi về với phố xưa
Người xe như hội Ô Chợ Dừa
Quang Chưởng đêm tàn qua mấy cửa
Nhĩ Hà bàng bạc ngắm sao thưa

Diên Hựu trong tôi từ ấu thơ
Ngàn năm Quốc Tự phủ rêu mờ
Người đi bốn biển hồn xin gửi
Một thoảng hương trầm dạ ngẩn ngơ
  
Tôi như thơ trẻ qua từng ngõ
Háo hức bên hồ đón Trung thu
Mai về Nam, nhớ  thu Hà Nội
Nhớ tiếng dương cầm thánh thót rơi

Xin ước vạn lần ước mơ tôi
Mùa thu Hà Nội xanh cuộc đời
Dẫu nghìn năm nữa xin gìn giữ
Một dáng rồng bay giữa đất trời

Hà Nội tôi xa chiều tuyệt vọng
Bao giờ được trở lại Hồ Gươm!
Sông Hồng nước đỏ cay màu mắt
Thấp thoáng trong sương một bóng cầu

                                  Hà Nội, Thu 2011
                            Hà Chương   
                                                  -------------------------------------------



  TÔI ĐI TÌM

Tôi đi tìm ngày
Ban mai rạng rỡ
Nhưng nào có hay
Một đời nặng nợ

Tôi đi tìm người
Gặp hồn tăm tối
Buồn vui mệnh hệ
Rã rời thân đau

Tôi đi tìm chiều
Hoàng hôn chạm ngõ
Chim về gác mỏ
Ngồi nghe kinh cầu

Tôi đi tìm mùa
Mùa đi qua ngõ
Bao lần không nhớ
Dày thêm tuổi trời

Xuân về bỡ ngỡ
Hạ nắng bạc màu
Thu sang hờ hững
Đông về mắt sâu

Tôi đi tìm tình 
Trong lòng biển cả
Em nào có hay
Một đời vất vả

Đêm nằm xa xứ
Phố thị mịt mùng
Mai về lữ thứ
Nhặt buồn mênh mông

Tôi tìm ngày xưa
Hỏi người tình phụ
Nhớ về năm cũ
Có còn bâng khuâng

Hôm nay tôi về
Nhìn nắng qua đê
Khóc cười hê hả
Ngủ vùi bên hiên 
     
                                                 -------------------------     


HOA BUỒN
                              cho Quỳnh Hương

Một thuở tôi yêu đoá chi quỳnh
Toả hương e ấp nét đoan trinh
Loài hoa nở giữa lòng đêm ấy
Thêu dệt nên thơ những mối tình

Rồi một chiều mơ bên thềm trăng
Tôi chờ em đến dưới bóng Hằng
Nụ hoa vừa hé, tàn nhanh quá
Nghe buốt hồn tôi như trối trăn!

Tôi đến tìm em một ngày Thu
Pleiku phố núi sương mù
Cao nguyên giấu biệt tìm đâu thấy
Vọng xuống hồ xanh một tiếng ru

Xin một lần thôi, một lần thôi
Cho tôi nhìn bóng em qua đồi
Làn môi mở nụ cười héo hắt
Nâng cánh tay gầy giấu lệ rơi

Phú Thiện tôi về chiều nắng nhạt
Sông Yun lên khúc hát đôi miền
Phố huyện ngày khô gầy xơ xác
Thiếu phụ ngồi giấu lệ bên hiên

Có phải là em, có phải em?
Nâng tay tôi đón lấy vai mềm
Đây người tôi đã từng mong nhớ?
Nghe nhói lòng theo những bước đêm

Em hận tình chi mà khô héo
Cho hoa phai nhạt sắc hương nồng
Đời tôi phiêu dạt đường muôn nẻo
Thương lắm Quỳnh ơi! Em biết không?

Phú Xuyên quê mẹ muôn trùng biếc
Em tôi còn nặng gánh hoài hương
Màu  hoa thắm lẫn màu ly biệt
Mỗi cánh rơi thầm, mỗi xót thương.    

                             HÀ CHƯƠNG

                                                  --------------------

  CÒN MỘT CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ

Đôi điều về bài thơ “Còn một chút gì để nhớ” của thi sỹ
Vũ Hữu Định, nhạc sỹ Phạm Duy phổ thành ca khúc cùng tên

          Thi sĩ Vũ Hữu Định (1942-1981) tên thật là Lê Quang Trung người gốc Huế. Phần lớn thời gian ông lập gia đình và sống tại Đà Nẵng. Ông lớn lên trong thời chiến tranh loạn lac.Vũ Hữu Định làm thơ giang hồ hay vì thi sĩ có thời gian trốn lính lang thang khắp nơi. Trước năm 1975 ông lang thang  từ cao nguyên Trung phần, xuống Sài Gòn rồi về lại Đà Nẵng. Ông không có nghề nghiệp nào ổn định. Lang lang tìm bạn uống rượu, làm thơ. Có giai đoạn ông đi lính Xây Dựng Nông Thôn của chính quyền Sài Gòn, lúc đó người ta thường gọi là lính đồ đen. Sau năm 1975, ông được chế độ mới trọng dụng, ông tiếp tục làm thơ, được nhận vào làm công nhân tại nhà máy điện Liên Trì Đà Nẵng. Năm 1981, do một lần ông cùng bạn bè vui quá chén nên say, không mau ông bị té ngã và chết khi ông vừa bước vào tuổi ba mươi chín.

       Bài thơ  Còn một chút gì để nhớ, xét về khía cạnh thi ca thuần túy, thì đây là bài thơ hay, ngôn ngữ thi ca rất sáng tạo, hồn thơ lạ lạ quen quen, vẽ ra trước mắt ta bức tranh vùng cao nguyên với mấy nét chấm phá thật sinh động về một thành phố có nhiều nét đặc trưng miền sơn cước. Con gái ở các thành phố cao nguyên như: Buôn Mê Thuộc, Đà Lạt, Pleyku thường có nước da trắng hồng. Đôi má lúc nào cũng đỏ hây hây. Miệng lúc nào cũng cười lúng liếng. Đó là những nét thật riêng, dễ nhận thấy của người con gái  phố núi, đã từng níu bao nhiêu bước chân của các chàng trai lãng tử miền đồng bằng, miền biển khi có dịp qua đây.  
        Tác giả thật tinh tế khi viết Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn.Trời vẫn cao, làm gì có trời thấp. Nhưng qua cái nhìn của thi sĩ giang hồ và lãng tử, khi đứng dưới chân dốc nhìn lên thành phố trên đồi thấy nhà và cây xanh tưởng như chạm vào bầu trời, cho ta cảm giác bầu trời như  thấp hơn. Cái thành phố nhỏ nhắn xinh xắn thời ấy cũng được nhà thơ thu gọn trong không gian thành phố bằng hai câu thơ hàm súc, ẩn chứa tình yêu của nhà thơ đối với thành phố và con người ở đây

        Phố xá không xa nên phố tình thân
        Đi dăm phút đã về chốn cũ

      Với tài phổ thơ thành ca khúc, lúc đó nhạc sỹ Phạm Duy không bỏ qua cơ hội và đã phổ bài thơ thành ca khúc cùng tên. Ca khúc cấu trúc theo nhịp 3/4, giọng Đô trưởng. Xét về nghệ thuật thơ ca và âm nhạc, nhà thơ và nhạc sĩ ngoài việc cùng vẽ lên và thổi hồn vào bức tranh bằng thơ và âm nhạc cái đẹp hoang dã rất riêng về con người và thiên nhiên của phố núi

Phố núi cao, phố núi đầy sương
Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn.

Và hình ảnh đặc trưng người con gái phố núi: 

Em pleiku má đỏ môi hồng

Mái tóc mềm, mắt em ướt, tóc em ướt
Da em mềm như mây chiều trong

       Nhưng còn một điều trọng tâm, cốt lõi mà cái chế độ của hai ông đang phục vụ rất cần họ nói, rất cần họ hát, đó là: Nói gì thì nói, hát gì thì hát nhưng mục tiêu chủ đạo là phải ca ngợi chế độ Cộng hoà, ca  ngợi người lính Cộng hoà đang đóng quân ở tất cả các đồn tiền tiêu, miền biên giới. Hô hào, động viên, khích lệ người lính Cộng hoà ngày đêm canh giữ và sẵn sàng xả súng vào lực lượng đối phương, khi lực lượng đối phương muốn xâm nhập vào thành phố, hay những nơi dân cư tập trung đông đúc dưới sự kiểm soát của chính quyền. Ở đó cũng là nơi các cơ quan đầu não của chính quyền tay sai đang điều khiển guồng máy chiến tranh.

        Đó mới chính là nhiệm vụ trọng tâm của người làm công tác văn hoá tư tưởng. Lúc đó bên phía Mặt Trận dân tộc giải phóng xem lực lượng làm văn hoá văn nghệ của chính quyền Sài Gòn (trong đó có một số văn nghệ sĩ có tiếng đi ra từ kháng chiến, dinh tê về thành rồi vào Nam hoà theo dòng di cư sau năm 1954. Phần lớn họ rất hăng hái, có người rất hung hăng, phục vụ đắc lực cho chế độ Mỹ Ngụy) là những tên biệt kích trên mặt trận văn hoá tư tưởng.

      Bài thơ và bài hát được ra đời  đầu những năm bảy mươi thế kỷ trước cũng nằm trong hoàn cảnh đó. Nhà thơ hải ngoại Du Tử Lê viết : “Tính chất đặc biệt trong bài thơ phổ nhạc Còn Chút Gì Ðể Nhớ là thành phố nhỏ Pleiku, ở vùng Tây nguyên, nơi tập trung rất nhiều sắc lính thuộc quân lực Việt Nam Cộng Hoà”

        Như thế đã rõ, và tôi khẳng định bài thơ được phổ nhạc Còn một chút gì để nhớ còn có nhiệm vụ nữa là viết về người lính Cộng hoà, mà trực tiếp các sắc lính VNCH  đang đóng quân tại các đồn biên giới Gia Lai tại thời điểm đó.

      Sau ngày giải phóng, khi mọi công dân được  hoà vào cuộc sống mới, chế độ mới, giới văn nghệ cũ được tiếp tục sáng tác phục vụ quần chúng nhân dân, phục vụ chế độ mới, trong đó có thi sĩ Vũ Hữu Định. Và nhất là sau khi Đảng ta thực hiện mở cửa văn nghệ, những ai đã từng yêu mến bài thơ và ca khúc Còn một chút gì để nhớ cũng âm thầm nuối tiếc và ước gì tác phẩm thơ và âm nhạc này chỉ mang hồn thi ca thuần khiết, không bị vương bởi bụi khói chiến tranh và thù địch. Nhưng tiếc thay, lịch sử thì không thể thay đổi được.Mặc dù thi sĩ đã trở thành người thiên cổ. Bạn bè ông, tất cả những ai yêu mến hâm mộ ông cũng không thể làm khác được hoặc thay đổi được câu thơ và lời hát sau :

               Mai xa lắc trên đồn biên giới
     Để  trở thành câu thơ, câu nhạc mới:
                Mai xa lắc trên đồi biên giới
     hay là:
                Mai xa lắc trên đường biên giới.

     Vì sao tôi nhấn mạnh và mổ xẻ chỗ này, vì chính câu  trên đã quyết định số phận của bài thơ. Để bây giờ  nó có nên được phổ biến hay không nên được phổ biến, cho dù từ lâu nó đã ở trong lòng những ai yêu mến nó.

         Nhưng đối với nền văn học chính thống của dân tộc, ta nhìn nhận nó như thế nào. Theo cá nhân tôi được biết, đến thời điểm hôm nay, tôi chưa thấy các chương trình biểu diễn ca nhạc không chuyên và chuyên nghiệp được phát trên các phương tiện thông tin đại chúng của nhà nước sử dụng bài thơ và ca khúc này.

        Vậy mà từ rất lâu, vào năm 1996, nhà xuất bản Trẻ thành phố Hồ Chí  Minh xuất bản thơ Vũ Hữu Định, trong đó, bài thơ Còn một chút gì để nhớ  được in là : Mai xa lắc trên đồi biên giới. Gần đây, Ông Nguyễn Quang Tuệ (Bảo tàng Gia Lai) trong bài viết: Thêm đôi dòng về Vũ Hữu Định và “Còn một chút gì để nhớ” cũng ghi : Mai xa lắc trên đồi biên giới. Việc này có thể gọi là đáng tiếc hay cần phải phê phán được không?. Ngại gì mà phải tránh. Thi sĩ có cần họ biện luận cho mình không? Hay đang buồn nơi suối vàng. Tôi đọc bài viết của các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học và bạn bè cùng thời với thi sĩ đang sống ở hải ngoại, như nhà văn, nhà phê bình Đặng Tiến, nhà văn Nguyễn Đình Toàn, nhà thơ Tường Linh, nhà thơ Du Tử Lê, tất cả họ đều ghi: Mai xa lắc trên đồn biên giới. Các  ca sĩ ở hải ngoại cũng hát Mai xa lắc trên đồn biên giới. Có lẽ họ đã  trung thực hơn một số người làm văn học nghệ thuật ở trong nước!

        Qua đây, tôi khẳng định rằng: Nhà xuất bảnTrẻ thành phố Hồ Chí Minh, các nhà văn, nhà thơ và bạn bè của thi sĩ đang sống trong nước vẫn quá tỏ tường điều này, nhưng hình như một số người muốn tránh câu thơ Mai xa lắc trên đồn biên giới (!) Đó là một cách hành xử văn chương thiếu trung thực và rất nguy hại, nếu ai trong họ là người làm công tác quản lý văn hoá, văn nghệ chân chính. Tôi viết bài này, mổ xẻ cái tinh thần của bài thơ và ca khúc đã gắn với một giai đoạn lịch sử của đất nước, không nhằm một mục đích nào khác ngoài mục đính xác định cái quan điểm chính trị của nó. Để làm gi? Xin thưa, để mong sự lưu tâm của các nhà làm văn hoá văn nghệ và cơ quan xét duyệt lưu hành, phổ biến các tác phẩm văn nghệ ở miền Nam trước năm 1975 phải có đủ  bản lĩnh nghề nghiệp và tính trung thực, phải có trách nhiệm với lịch sử.    
   
        Từ nơi chín suối kia, không biết thi sĩ có hài lòng việc nhà xuất bản hay một bộ phận người hâm mộ ông trong nước đã cố tình sửa đổi một cách tuỳ tiện như thế. Ai đó đã nói, đất nước Việt Nam là đất nước của thơ ca. Suốt dọc chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, bao nhiêu thế hệ người Việt trên mảnh đất này đã sáng tạo biết bao nhiêu là văn là thơ, là nhạc, là hoạ… Trong gia tài quý giá ấy, có nhiều tác phẩm sừng sững như quả núi, đã đưa nhiều lớp người sáng tạo ra nó trở thành những danh nhân văn hóa của dân tộc, của nhân loại. Sá gì một đôi bài thơ, một vài ca khúc chưa đạt đến độ kinh điển mà, mà một số người cố tình khai thác cái nhạy cảm mang màu chính trị, đã có những cảm nhận đa chiều và thiếu trung thực như thế.  
      
        Như những gì ở trên tôi đã nêu một cách trung thực về bài thơ và bài hát cùng tên Còn một chút gì để nhớ của cố thi sĩ Vũ Hữu Định và nhạc sỹ Pham Duy. Không hẹn mà gặp, như cái tiêu đề bài thơ và bài hát, thế hệ cùng thời với thi sĩ, nhạc sĩ và cả thể hệ sinh sau năm 1975 đến nay và mãi về sau vẫn còn một chút gì để nhớ. Tôi cũng nằm trong số đó, đã từng yêu mến tác phẩm của các ông. Tôi không muốn những gì đang tồn tại trong hồn người lại phải mất đi và chắc chắn không ai có thể làm được điều đó. Nhưng tôi đề nghị các cơ quan chức năng xem đây như một dẫn chứng để nhìn nhận, công nhận, và xét duyệt phổ biến dòng văn học nghệ thuật trong vùng tạm chiếm của miền Nam trước năm 1975. Bài thơ và bài hát Còn một chút gì để nhớ hãy cứ để nó tự tồn tại trong tiềm thức của những ai yêu mến nó. Bất cứ những ai yêu mến nó, có dịp thì thì cùng ngồi lại với nhau, trao đổi và hát cho nhau nghe, cùng hoài về một thời đáng nhớ. Nhưng đối với cơ quan quản lý văn hoá của Nhà nước Việt Nam phải thể hiện bản lĩnh nghề nghiệp, không được quyền xét duyệt cho biểu diễn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các nhà xuất bản cũng cần phải cân nhắc thật kỹ khi giới thiệu và xuất bản những tác phẩm  có số phận tương tự như thế.

         Một lớp học đang học giờ văn, thầy giáo đang đóng vai trò của người nghệ sĩ dẫn chuyện. Học sinh chìm đắm, gửi hồn vào từng diễn biến của tác phẩm. Một khi cả thầy và trò đã cùng gặp nhau ở một điểm là: cảm nhận được cái hay, cái đẹp của tác phẩm… thì ngoài sự cảm nhận ấy, việc họ biết và nắm đầu tiên là tác phẩm đó của tác giả nào, ra đời trong hoàn cảnh lịch sử nào, tác phẩm văn học muốn nhắn gửi cho chúng ta điều gì. Tương tự như thế, khi thưởng thức một tác phẩm văn học nghệ thuật, người thưởng thức cũng nên phải như thế, cũng phải biết yêu thương, hờn giận và có thể nuối tiếc theo số phận của từng tác phẩm văn học.
                                                                    
                                                                             Đà Nẵng 2005
                                                                          HÀ CHƯƠNG
                                                                     ----------------------


 THU MUỘN

Ta lặn xuống biển sâu mấy bận
Tìm ngọc châu về tặng tình yêu
Không được ngọc, nên tình lận đận
Đến thu nay, bóng đổ sang chiều

Gió trở lạnh qua mành khe khẽ
Gợn hồ xanh mấy cánh sen hồng
Nắng thôi đỏ, nắng vàng nhè nhẹ
Rơi xuống thềm mấy hạt hư không

Trên đồi cao, một màu xanh ngọc
Bầy nai về  tìm vạt cỏ non
Ta nhìn  thu, ngậm ngùi ta khóc
Mùa đã sang, tình hết đâu còn!

Ta quay về bên căn nhà nhỏ
Hồn miên man nhớ gót chân xưa
Con chim quyên bên hè giấu mỏ
Bỗng giật mình bay xuống cơn mưa

                       HÀ CHƯƠNG

             YÊU VỤNG

Thuở  ấy tôi vừa chớm đôi muơi
Em lên mười tám,dáng xuân ngời
Môi cười lúng liếng bờ mi ướt
Một đóa hoa tiên giữa cuộc đời

Em biết rằng tôi đã mến em
Mỗi lần tan học trên đường về
Vờ đi chậm lại tôi  dừng đợi
Để được gần thêm một chút thôi

Tôi biết là em cũng mến tôi
Mỗi lần vào lớp chỗ em ngồi
Mấy thằng bạo dạn vây em kín
Liếc mắt tìm tôi mắt em cười.

Một buổi đường quê tan học về
Trong tà áo trắng nắng lê thê
Qua tôi, bước chậm, em dừng gót
Em  ngước  nhìn lên mắt lại cười

Nói đi! Em bảo có  điều chi?
Nhanh!... để người ta thấy thật kỳ
Tôi như chết thẹn bên đường nắng
Tim đập reo mừng theo bước đi

Luýnh quýnh tôi không mở được lời
Em gần gủi quá hoá xa xôi
Em thân quen quá mà như lạ
Thương lắm, vô vàn. Áo trắng ơi!

Yêu người bắt chết mà không nói
Người giận quay đi mới trộm nhìn
Nhớ ngưòi bắt mệt mà không gọi
Người đến bên rồi vẫn lặng thinh

Cứ thế ngày qua ngày lại qua
Tôi không nói được tiếng yêu, và
Tôi chưa cầm được bàn tay ấy
Chưa đón em về thưa mẹ cha

Cứ thế lâu ngày thành con bệnh
Tương tư mấy bận ngỡ  xa đời!
Bài giảng thầy kêu tên lên bảng
Giật mình lóng ngóng bước chân rơi

Vừa hết mùa thi tôi vào lính
Dấu yêu xin gửi lại quê làng
Hẹn ước tình này chưa trao gửi
Để người sầu mộng, bước sang ngang

Tôi như trẻ nhỏ  bị đòn đau
Từng cơn âm ĩ  buốt tim này
Tôi mang theo suốt thời nông nổi
Mãi đến bây giờ chẳng đổi thay

Cứ gặp người xưa là ấp úng
Ngây ngô như một gã dại khờ
Em hỏi vì sao mà yêu vụng?
Dối lòng,  tôi đổ lỗi…vì thơ!

                     HÀ CHƯƠNG


        TÔI RU TÔI

Tôi mơ ước tôi là thi sĩ
Nhưng hồn tôi vắng bóng Nàng thơ
Tôi mơ ước em là tri kỷ
Em lặng im, quay gót hững hờ!

Nên dẫu thế có lời mật ngọt
Cũng hư vô như cuội ven đường
Tôi thờ thẩn nửa đời hiu quạnh
Chẳng thể nào tìm được chút hương

Thôi đành vậy tôi là thi sỹ
Để cho tôi, chỉ để riêng tôi
Thôi đành vậy, cây đàn tri kỷ
Ru hồn tôi như biển với bờ.
             
                         Quy Nhơn 1988
                HÀ CHƯƠNG
           

              NÀY EM

Cơn bão đi qua, để lại nỗi buồn
Cuộc tình đi qua, để lại nỗi đau
Mùa Xuân đi qua, để lại nuối tiếc
Em mở nụ cười, để lại niềm vui

Anh nhận tất những buồn, đau, nuối tiếc
Niềm hân hoan xin để lại cho em
Em gượng dậy, cơn đau tan biến
Đừng hoài chi chút hạnh phúc phai màu
Đứng dậy đi em, dù cơn đau chưa dứt!
Đấng thiêng liêng đang ở trên đầu
Nâng vạt áo em lau dòng lệ mắt
Trời sẽ thương cho thay mới tình sau
               
                          HÀ CHƯƠNG




       THẢO YÊU

Bỗng một ngày thật lạ
Anh gọi thầm: Thảo yêu!
Bỗng một chiều vật vã
Nhớ em, nhớ thật nhiều

Anh thầm yêu cô giáo
Ngày mơ lên giảng đường
Đêm mơ về giáo án
Như đã là yêu thương

 Chưa một lần hò hẹn
Chưa vết nhói tim đau
Chưa nhìn nhau e thẹn
Sao mang nặng tình sầu

Anh chỉ nghe giọng nói
Chỉ nghe tiếng em cười
Lòng anh như than lửa
Âm ỉ cháy không thôi

Qua cổng trường anh ngóng
Áo ai dài thướt tha
Anh nhìn màu áo tím
Có phải em hiền hòa

Hè về em thôi dạy
Anh gửi nhớ lên trường
Vô tình em có nhặt
Xin giấu vào yêu thương

Xin giấu vào ngây ngô
Thuở trăng tròn vụng dại
Lần hẹn đầu nôn nao
Dưới cây già thân ái

Anh nhìn hoa phượng cháy
Thấy nao nao một chiều
Qua giáo đường anh lạy
Chúa thương tình cho yêu

Anh vội vàng tin Chúa
Ôm khối tình nâng niu
Khấn thầm bên tượng Chúa
Yêu em, yêu thật nhiều

Em ơi ngày tháng hẹp
Anh ru tình miên man
Vườn  khuya giờ lá khép
Bước chân anh ngỡ ngàng

Chiều nay nằm nghe lá
Xạc xào rơi đầy sân
Chim về kêu rộn rã
Hè sang, sang mấy lần

Rồi ngày qua lại qua
Anh cô đơn tình lặng
Em mãi hoài, mãi xa
Hồn anh phai màu nắng

Anh chẳng còn đức tin
Để nguyện cầu Thiên Chúa
Qua giáo đường anh quên
Chúa nhìn theo không nói

Anh âm thâm trách Chúa
Không buộc em về anh
Âm thầm anh trách Chúa
Không ban giấc mộng lành
          
               HÀ CHƯƠNG

                                                               --------------------------------------------



          THƠ TÔI HÁT

Thơ tôi hát lời em vẫn hát
Là Thu vàng lá rụng ngoài song
Thơ tôi hát lời em vẫn hát
Là tình yêu như sóng trong lòng

Thơ tôi hát khúc Hè phượng cháy
Từng cánh rơi xuống gót em hường
Ai đã nhặt trao em kỷ niệm
Một chút tình muôn thuở còn vương

Thơ tôi hát điều em chưa biết
Là niềm riêng tôi giấu trong tim
Thơ tôi hát những lời tha thiết
Bóng hình ai tôi mãi đi tìm

               HÀ CHƯƠNG