Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

ĐỌC “LỤC BÁT TRĂNG” TẬP THƠ CỦA HỒ XUÂN TỊNH

      Một hôm tôi tình cờ vào trang blog của thầy dạy văn hồi tôi còn học phổ thông ở Điện Bàn, bây giờ thầy bỏ nghề giáo để chuyển sang làm báo. Trong một bài viết của thầy, có nhắc blog Tư Cận. (Hồ Xuân Tịnh) vừa xuất bản thơ. Thế là tôi với tâm trạng háo hức mở mạng ra xem sự tình ra làm sao.Tôi vào blog của Tư Cận và cái thông tin người thầy cũ của tôi là rất chính xác. Cảm giác đầu tiên của tôi là rất vui và thầm chúc mừng cho anh Hồ Xuân Tịnh, mặc dù giữa chúng tôi chưa một lần gặp mặt.

         Tôi liền ghi ngay mấy dòng chúc mừng ở phần coment trong một bài viết của anh. Hôm chủ nhật ngày 8 tháng 7 năm 2012, tôi gặp anh Hồ Xuân Tịnh ở quán cà phê “Ngày Mới” nằm trên đường Nguyễn Văn Thoại, Sơn Trà. Trong niềm vui xen lẫn sự bỡ ngỡ vì lần đầu chúng tôi gặp nhau. Có một điều thật lạ là cả nhóm xem tôi như người đã quen lâu ngày gặp lại, nên rất thân tình. Họ cùng gọi tên tôi: Hà Chương đấy à?

         Hồ Xuân Tịnh không khác gì trong ảnh là mấy. Vẫn đôi kính cận dày cộm với dáng người tầm thước, trông anh như một học giả. Các bạn khác cũng thế, tôi thấy rất quen vì tôi “gặp” họ mỗi ngày kia mà. Người Quảng mình thật thà và hiền lành đến thế. Hôm ấy chúng tôi vui lắm. Vui vì anh Tịnh vừa xuất bản tập thơ đầu tay và vui vì tôi là thành viên mới nhập hội của nhóm. Chúng tôi ngồi nói chuyện rất cởi mở và thân tình. Anh Tịnh tặng mỗi người một tập thơ mang tên “Lục Bát Trăng” vừa xuất bản. Chúng tôi cầm quyển thơ và cùng nhau chụp ảnh lưu niệm, hàm ý chúc mừng ngày vui của anh Hồ XuânTịnh…

     Lục Bát Trăng là “đứa con tinh thần đầu lòng” của Hồ Xuân Tịnh, do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành tháng 5 năm 2012. Hồ Xuân Tịnh tự giới thiệu và tự vẽ bìa. Sách được trình bày trang nhã, giản đơn mà thật ấn tượng. Khác với một số người xuất bản thơ, kể cả nhà thơ là thường tự lăng xê về những “thành quả cá nhân” hay nhờ người có tên tuổi trong làng thơ lăng xê cho mình! Anh Hồ Xuân Tịnh khiêm nhường và tự bạch:

     Tôi không phải là thi sĩ mà là chỉ là một người làm nghề khảo cổ yêu thơ. Cảm xúc trong phút lãng đãng phiêu du, những suy ngẫm về cuộc đời được ghi lại bằng vần thơ lục bát giản đơn, nhẹ nhàng như lời ru của mẹ mà tôi hằng được nghe từ thuở ấu thơ…

       Tôi nói về Hồ Xuân Tịnh ở một vị trí của người làm nghề khảo cổ và người thơ, còn vị trí một nhà quản lý ngành văn hóa thì để sau này, biết đâu khi anh trở thành thi sỹ có tiếng thì lúc đó người ta sẽ nói lai lịch của anh. Tôi chỉ đơn giản là người bạn trên blog của anh, đã từng cảm nhận và yêu mến thơ anh hơn hai năm nay.

       Lục Bát Trăng là kết quả của phút lãng đãng phiêu du như lời tự bạch của tác giả, tôi đồng cảm một phần với sự khiêm nhường của Hồ Xuân Tịnh. Nhưng khi đọc Lục Bát Trăng, ta thấy tác giả đã chuyển tải cái hồn của thi sỹ và thi sỹ đã nói lên được nhiều hơn thế. Chúng ta đều biết, thơ lục bát là thơ của dân tộc, thoát ra từ dân ca, ca dao mang đậm hồn Việt. Từ cái thuở hồng hoang đến thời đại văn minh, tiếng ru của bà ru cháu, của mẹ ru con, của chị ru em…bên vành nôi trẻ thơ và trở thành nếp văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt. Hồ Xuân Tình sinh ra từ miền quê có con sông Vu Gia thơ mộng hiền hòa, với những câu hát dân ca ngọt ngào vang theo ngút ngàn miền bãi ngô, nương dâu ven sông, những cánh diều tuổi thơ, những chuyến ghe miền biển mang hàng lên đầu nguồn... đã đi vào tuổi thơ anh, đi vào máu thịt của anh...

Ai về nhắn với bạn nguồn

Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên



Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng

Thương cha nhớ mẹ quá chừng bạn ơi



Sông Vu gia giang hai tay chào đón

Quê tôi lắm bạc nhiều vàng

Chiều về vọng tiếng hò khoan thắm tình

Lòn bon Ba ngã Lộc Ninh

An Bằng ngọt nước chè xanh đầu nguồn

Trăng tàn thuốc lá Đại Hồng

Chùa Ôm đá dựng núi Tùng gió reo…

                                       ( Dân ca)

     Trong khuôn khổ 93 bài thơ lục bát hình thành nên Lục Bát Trăng với chủ đề: Tình yêu của anh dành cha mẹ, cho quê hương nơi anh được sinh ra lớn lên bằng giọt phù sa của con sông Vu Gia; cho người bạn đời thủy chung; cho những bóng hồng cố nhân giờ chỉ còn trong hoài niệm và những trãi nghiệm của cuộc đời Hồ Xuân Tịnh.Bài thơ đầu của tập thơ, anh thưa với Cha mình, người đã đi vào cõi thiên thu với lời tri ân kính cẩn, ngợi ca:

Vút cao hơn cả đỉnh non

Tình cha như ánh trăng tròn đêm thu

Soi đường con nẻo viễn du

Để con sống tốt đời dù chông gai

                                
“Ánh trăng”

       Để rồi,với những thành quả trên bước đường đời anh thu hái được, kể cả gian nan vất vả, anh thưa Cha mình với lời khẳng khái như một sự báo công:

Tang bồng ngang dọc chí trai

Phải vừa dũng cảm vừa tài, trí, nhân

                                    
“Ánh trăng”

        Và cuối cùng anh tỏ lòng biết ơn công sinh thành, dưỡng dục đối với cha mình. Cha không còn trên đời này nữa, ánh trăng ngần là hình ảnh thanh cao là hiện thân của bóng hình cha đi theo anh suốt những đoạn đường đời gập ghềnh anh đã đi qua, của ngày hôm nay và mãi về sau:

Tình cha là ánh trăng ngần

Theo con đi suốt đường trần gian nan

“Ánh trăng”

     Với thân mẫu, chỉ một món ăn: cá lóc canh chua mẹ nấu cho anh ăn thôi, anh gói gọn trong bốn câu trong bài Canh Chua, qua đó anh đã tỏ lòng biết ơn đối với công lao trời biển mà mẹ đã nuôi anh lớn khôn thành người. Chỉ có thế thôi, ta đã hiểu được tấm lòng hiểu thảo của anh đối với mẹ

Cá lóc mẹ nấu canh chua

Đậm đà hương vị chẳng thua sơn hào


Lòng con yêu mẹ biết bao


Canh chua cá lóc ngọt ngào tình thâm


Tình yêu của anh dành cho người vợ yêu quý cũng thật đằm thắm trong Huế Yêu. Huế yêu cũng có thể hiểu là Em yêu, một nửa của cuộc đời anh. Anh thật tinh tế khi liệt kê bằng thơ những địa danh quen thuộc của cố đô Huế, quê hương của vợ mình, anh dàn trải lòng mình với tình cảm thật chân thành ,anh biết ơn xứ sở này đã cho anh người bạn đời yêu thương chung thủy

Cố đô ơi nhớ năm nào

Tìm người trong mộng đưa vào Hàn giang


                                            “Huế yêu”

          Với quê hương Đại Lộc, chỉ một Vu Gia thôi, ta thấy Hồ Xuân Tịnh đã nặng lòng với nơi anh được sinh ra và lớn lên nhưng bây giờ chỉ còn lại trong anh là những hoài niệm một thời tuổi thơ. Con sông Vu Gia, con sông của một miền dân ca và miền thơ ca, nó hiền hòa và duyên dáng đến lạ thường, với những bãi bồi bốn mùa xanh tốt ngô dâu, đã gắn với những quãng đời lam lũ của người quê. Nhà thơ Thanh Quế không phải là đứa con quê hương Đại Lộc, vậy mà trong khói bom chiến tranh, đứng trước Vu Gia thơ mộng, ông đã viết những vần thơ thật hay về dòng Vu Gia như một dòng sông của thi ca

Trước nhà em sông Vu Gia

Sau nhà em cũng lại là dòng sông

Anh đi giữa một cánh đồng

Ngóng trông nên nọ, ngóng trông bên này


              “Trước nhà em sông Vu Gia -TQ”

     Hồ Xuân Tịnh, mặc dù bây giờ anh sống nơi thị thành, nhưng Vu Gia ấy chính là quê hương đã có trong máu thịt của anh rồi, để anh viết những câu thơ trải lòng mình nhưng không thiếu sự tinh tế, hay đến nao lòng

Con sông bên lở bên bồi

Vu Gia đó tuổi thơ tôi ngọt ngào


Dừng chân bến nước lao xao


Biển dâu, bãi bắp rì rào ban trưa


                                 “Vu Gia”

        Anh yêu quê hương đã đành, nhưng trong niềm yêu thương ấy, anh yêu thương cả tuổi thơ và anh nuối tiếc tuổi thơ như chưa thể đi qua bao giờ

Yêu thương nói mấy cho vừa

Một thời mưa nắng như chưa xa rời


Thuyền rời bến cũ ra khơi


Biển không sóng cũng chơi vơi giữa dòng


                                         “Vu Gia”

     Có một tình yêu nào sâu nặng hơn thế! Để rồi chính sự nặng lòng với quê hương, với dòng Vu Gia yêu thương ấy, anh vừa dặn lòng vừa khẳng định trong thi phẩm Vu GiaChiều quê

Thị thành dẫu sống thong dong

Quê hương ấy mãi nặng lòng người đi


                                     “Vu Gia”

Lá vàng một chiếc nhẹ rơi

Quê hương dù đã xa rời chẳng quên


                               “Chiều quê”

      Về thơ tình yêu, Lục Bát Trăng, ta thấy thấp thoáng những bóng hồng xưa còn ngự trị trong anh. Thơ tình của Hồ Xuân Tịnh cũng rất riêng, nó không vồ vập hay ồn ào, đó là những vần thơ đầy ý nhị mang nỗi niềm nhớ nhung nuối tiếc. Nhẹ nhàng mà sâu lắng, có lúc âm ỉ cháy, có lúc vỗ về, thôi thúc hồn anh. Hình ảnh một nụ cười, một ánh mắt, một gót hài. một mái tóc dài...Tất cả hình ảnh đó là của một thời dấu yêu làm sao anh quên được chứ! Để rồi trong bộn bề của đời sống thường ngày, anh đã dành những phút giây cho khoảng lặng sâu kín trong tâm hồn, và chỉ cần ngồi trước một cây đàn ghi ta, một ly rượu đắng, hay một mình cô đơn trước một ngày sang mùa, trước hoàng hôn, trước biển đêm, trước trăng chiều... tất cả những gì đẹp nhất, đáng nhớ nhất đã hiện về trong anh. Tôi quả quyết những lúc như thế, Hồ Xuân Tịnh là một chàng thi sỹ lãng mạn thật sự.

Đêm dài một khúc nhạc thưa

Vẫn trôi đi mãi vì chưa quên người


                                  “Trôi”

Bao năm lòng vẫn tơ vương

Vườn xưa nở đóa vô thương cho ai


                             “Tơ vương”

Hạ về ngỡ tuổi đôi mươi

Mây hồng chợt nhớ nụ cười xa xăm


                                 “Hạ hồng”

     Đứng trước Vườn Xuân hay trở về lại Vườn xưa, anh cũng dành cho bóng hình người xưa sự nhớ nhung thầm kín

Vườn xuân ngập ánh bình minh

Đóa hồng vừa hé như tình em trao


Dấu yêu tựa mới hôm nào


Nụ hôn vội vã bên rào ban trưa


                         "Vườn Xuân"



Hoàng hôn mây dệt thành thơ

Giữa khuya trăng sáng đợi chờ Hằng Nga


Cỏ non đọng giọt sương sa


Vườn xưa xào xạc người xa trở về


                                "Vườn xưa"

     Hồ Xuân Tịnh còn là người tình cao thượng và nhân hậu, ta không thấy “hận tình” trong thơ anh. Nhưng ai chắc cuộc đời tình duyên của anh không bị một ai đó phụ rẩy bội bạc. Nhưng với em của ngày xưa, anh mong em luôn được bình yên và được phúc lành

Đầu xuân gửi riêng một người

Lộc non mơn mởn thắm tươi đầu cành


Vô ưu vẫn tuổi xuân xanh


Từ bi một đóa phúc lành cho em


                                “Vô ưu”

Dẫu không đi hết bốn phương

Cũng xin chọn một con đường em đi


Yêu em lòng đã từ bi


Cõi người chợt thấy vô vi lạ thường


                                “Vô vi”

   Ngôn ngữ trong Lục Bát Trăng

        Hồ Xuân Tịnh là nhà khảo cổ học, đó cũng là lợi thế của anh khi đi tìm ngôn ngữ riêng cho thơ anh. Ta thấy anh không xa rời quá cái đời thường, nhưng ta thấy thơ anh có cái rất riêng. Cái riêng ấy là vốn sống, cái chất trong anh và do tính chất công việc anh đang làm, hình thành nên hồn thơ Hồ Xuân Tịnh thực thực hư hư và pha màu huyền bí. Cũng đúng thôi, cái nghề của anh là cái nghề khoa học, mà khoa học khảo cổ. Anh đã tìm lại hồn cho đất, cho đá, cho tượng, cho tháp cổ… của các nền văn hóa xa xưa. Trong chúng ta, nếu ai quan tâm đều sẽ biết, những công trình nghiên cứu và sản phẩm vô giá từ khảo cổ, là các di tích khảo cổ và các di vật có liên quan đang ngày càng có vai trò to lớn trong việc giáo dục lịch sử, đạo đức, thẩm mỹ và cung cấp nền tảng kiến thức cho mọi thế hệ, trước hết là cho các cộng đồng địa phương và sau đó là cho các cộng đồng rộng lớn hơn…Mỗi chúng ta đều được hưởng thụ thành quả của công việc khảo cổ đem lại, có khi ta vô ý hoặc vô tâm không nhìn thấy được giá trị về vật chất và giá trị nhân văn!

      Trong khuôn khổ của bài viết này, tôi không có tham vọng và không có khả năng đi sâu vào từng “ngõ ngách” của Lục Bát Trăng, mà tôi muốn nêu khái quát theo cảm nhận và sự yêu mến của tôi về tập thơ. Quay lại nêu ngôn ngữ trong Lục Bát Trăng, mảng thơ tình yêu dành cho quê hương, cho cha mẹ, cho người người bạn đời của anh, thì tâm tình, thủ thỉ, tôn kính, thì những bài thơ anh viết về cuộc đời, về những trải nghiệm đời sống, về cảm nhận tôn giáo, cảm nhận về vũ trụ… ta thấy một Hồ Xuân Tịnh với những ngôn từ triết lý trừu tượng, siêu thực, phảng phất phiêu bồng. Phải chăng từ trong phút thăng hoa, anh lạc vào trong thế giới nghìn năm của người xưa. Anh cảm thông với sự tàn vong của một vương quốc, với nền văn hóa rực rỡ Chiêm Thành.

Từ trong gạch đá rêu phong

Vẳng nghe nức nở tiếng lòng Chiêm nhân

Đời người như thể phù vân

Nhìn lên tháp cổ mấy tầng ưu tư

        
Như lời tự bạch của Hồ Xuân Tịnh, anh nói anh không phải là thi sĩ. Nhưng khi tôi đọc Lục Bát Trăng, thì tôi đã có cảm nhận của riêng tôi. Từ sự cuốn hút bởi những thi phẩm của một tâm hồn nhạy cảm trước tình đời, tình người của Lục Bát Trăng, tôi khẳng định đây là lời tâm tình của một thi nhân lãng mạn theo đúng nghĩa của nó. Tôi không phải là nhà phê bình văn học, tôi chỉ là người yêu thơ thuần túy và cũng thích đọc phê bình văn học. Bởi vì sao tôi khẳng định như thế, có lẽ tôi không phải chứng minh thêm nữa, mà để dành cho bất cứ ai nếu có dịp một lần đọc qua Lục Bát Trăng, một lần thôi thì tôi tin sẽ đồng cảm với tôi.
     
        Hồ Xuân Tịnh đã vào tuổi năm mươi, cái tuổi đúc kết của sự từng trải, và những chiêm nghiệm về cuộc đời mà anh đã dấn thân trên con đường hoàn thiện chính anh với những bước thăng trầm, những buồn vui đời người. Lục Bát Trăng ra đời như thế là quá muộn, tôi chắc rằng nó đã được phôi thai từ lâu lắm rồi. Bởi thế, với Lục Bát Trăng hình như tác giả quá thận trọng do chuẩn bị kỹ lưỡng. Thơ Hồ Xuân Tịnh rất đời, nhưng cũng phảng phất chất bảng lảng

       Ngay lúc này đây, Đà Nẵng đang chìm trong một màu ánh sáng bàng bạc của một đêm trăng thượng tuần huyền ảo. Ngoài đầu gành kia, sóng vẫn vỗ êm êm, rì rào vang lên tiếng của muôn đời. Vũ trụ đang nhòm ngó cái loài người nhỏ nhén tội nghiệp kia mà cảm thông cho một kiếp phù vân, nên mới ban phát cho cuộc sống những điều thật kỳ diệu. Con người biết yêu thương nhau và biết nói với nhau những điều đẹp đẽ, mà một trong những điều tuyệt diệu đó là thi ca. Trong giây phút dồn dập cảm xúc như thế này, tôi chợt nhớ đến một chàng thi sĩ và đang hình dung ra chàng đang ôm đàn ghi ta, móc lên những âm thanh bập bùng, vang vọng khúc ru đời huyền diệu:

Ru đời một khúc ca đêm

Nhẹ như sương khói êm đềm giấc mơ


Mai sau dẫu có mịt mờ


Vẫn còn giọng hát bâng quơ ru đời


                         "Ru đời - LBT"



                                                     Đà Nẵng, một đêm mùa hè 2012
                                                                HÀ CHƯƠNG


10 nhận xét:

  1. Cám ơn HC luôn nhớ đến Lục bát Trăng.
    Ngày mới an vui nhé HC!

    Trả lờiXóa
  2. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  3. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  4. HC mới là người cảm ơn anh TC vì một trong những "đứa con" bị lưu lac đả được tìm về, đồng thời từ sự yêu mến LBT và tác giả của nó, nên HC đã lần đầu tiên cả gan "múa rìu qua mắt thợ" trong lĩnh vực văn học nghệ thuật
    HC luôn trân trọng và yêu mến LBT cho dù sau này anh TC có xuất bản thêm nhiều tập thơ nữa.
    Cái bắt đầu là cái chân thật,tinh khôi và đẹp đẽ nhất

    Trả lờiXóa
  5. Em chúc mừng cả hai anh nhé! Đọc lại thấy sâu sắc hơn và em thích nhất đoạn cuối bài viết.

    Trả lờiXóa
  6. Bài viết hay... Mặc dù chỉ đọc qua lời bình và trích đoạn
    "Lục bát trăng". Chúc lời bình cho tập thơ thành công nhé !

    Trả lờiXóa
  7. Buồn lắm lắm, mỗi khi Hà Chương tẩu,
    Chẳng còn ai để Công Tử gõ đầu!
    hic...

    Trả lờiXóa
  8. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  9. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa